Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Kho tài liệu sốĐọc sách viết cảm nhậnCảm nhận về tác phẩm “Bồ câu không đưa thư”

Cảm nhận về tác phẩm “Bồ câu không đưa thư”

BÀI ĐẠT GIẢI KHUYẾN KHÍCH CẢM NHẬN VỀ NHỮNG TÁC PHẨM
CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN NHẬT ÁNH

(Họ và tên: Hồ Thị Ngọc Nữ – 10V – Trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu)

                                 “Những chiếc xe trở đầy hoa phượng
                                  Ai chở mùa hè tôi đi đâu..............?”

Lời bài hát như gợi cho tôi về giấc mơ năm ấy, về tình cảm bạn bè, thầy cô, về quyển lưu bút chưa kịp trao tay và về một tình cảm ấp ủ còn chưa kịp nói... bỗng chốc đã hè, đã chia tay. Bỗng chốc vội vã mỗi đứa một nơi. Những tình cảm ấy như vội ùa về trong tôi đột ngột, bất ngờ rồi thật lưu luyến, khó phai. Chính là khi tôi đọc quyển “Bồ câu không đưa thư” của tác giả Nguyễn Nhật Ánh – một quyển sách viết về tình cảm học trò trong sáng, thơ ngây đến vội vã... mà cũng thật sâu sắc.

Chắc hẳn mỗi chúng ta ai cũng đã từng trải qua thời áo trắng cũng đã từng “say nắng”, thầm thương trộm nhớ một ai đó. Có khi là đứa bạn cùng bàn, là chàng trai hay cô gái lớp bên hay đơn giản là cậu lớp trưởng hoặc chỉ là cậu em lớp dưới... Họ đi qua đời ta rồi để lại một vạt nắng sau lưng không hề phai theo thời gian. Nào ai biết được những tình cảm ấy nào dám thổ lộ, chỉ e ngại ngắm từ xa, chỉ là được nói chuyện, nô đùa cùng nhau là thỏa lòng nhớ nhung rồi. Nó như cơn gió mát lòng ta khi hạ, lại như ánh nắng chói chang làm ấm lòng ta khi đông. Để rồi một ai đó nào có thể quên được mối tình thời học sinh trong sáng, ngây thơ ấy.

Và bạn biết không, trong câu chuyện “Bồ câu không đưa thư” của tác giả Nguyễn Ánh thật gần gũi biết bao khi tác giả lại xây dựng những nhân vật với những nét đặc trưng của lứa tuổi học trò vừa “dễ thương” nhưng cũng thật “ranh mãnh”. Người đọc sẽ bất ngờ nhận ra chính mình trong đấy với một Xuyến ranh mãnh, thông minh, lém lĩnh và là người đứng đầu nhóm bạn. Một Cúc Hương “tham ăn”, dễ thương, hòa đồng và thích chơi chữ. Vậy mà cùng nhóm với Xuyến và Cúc Hương lại là Thục. Đúng như tên của mình, cô hiền lành, tốt bụng, ít nói lại hay rụt rè. Cùng với đó là chàng lớp trưởng hào hoa, bảnh toản, đẹp trai, nhà giàu, học giỏi, đúng chuẩn “soái ca” mà bao cô nàng mơ ước. Và một anh chàng Phán củi hiền lành, chất phác, quê mùa, cục mịch đúng chất nông dân như Cúc Hương từng treo nghẹo “tía em hừng đông đi cày bừa, má em hừng đông đi cày bừa” nhưng lại có tài làm thơ, là cây toán của lớp. Tất cả họ đang ở năm cuối cấp ba – lớp 12 với biết bao mơ mộng tươi đẹp phía trước.

Đọc mỗi trang truyện của tác giả như đưa chúng ta trở về với miền kí ức xưa cũ của thời áo trắng, của cái thời ngây ngô. Dẫu nó có bị bụi thời gian phủ kín đi chăng nữa thì cũng có một ngày được lau sạch bởi cơn mưa kỉ niệm. Dẫu nó như một cơn mưa lớn nhưng chúng ta vẫn muốn đứng mãi dưới cơn mưa ấy. Có lẽ ta sẽ ngưỡng mộ trước cảm tình của chàng lớp trưởng Hoàng Hòa dành cho Thục mặc dù Thục chưa từng để ý đến như Cúc Hương từng bình phẩm anh chàng là “NTSC” – “nhớ thương sầu cảm”. Sẽ vô cùng thích thú với lối chơi chữ của Cúc Hương khi tự nhận mình là “PAL” – “pơ anh luôn” hay nhận xét Xuyến là “SECAM” – “sao em chê anh mãi” thật là dẽ thương phải không nào? Cũng sẽ vô cùng ngưỡng mộ tài làm thơ của anh chàng Phán củi khi làm thơ tặng cô em hiền Thục của chúng ta. Và càng lôi cuốn chúng ta khi có sự xuất hiện của anh chàng Phong Khê viết thư làm quen gửi trong hộc bàn cho Thục. Một anh chàng Phong Khê học lớp 11A3 mà theo cảm nhận của Thục ban đầu là chân thành, khiêm tốn. Nhưng dường như anh chàng Phong Khê không đơn giản như chúng ta nghĩ. Bằng chứng là anh chưa từng hẹn gặp bọn Thục cả, chỉ viết thư qua lại và nhờ hộc bàn mà gửi thư cho nhau. Thật sự những ngày cuối cấp cũng đã gần kề, bọn Thục muốn biết mặt anh chàng bao lâu nay làm thơ gửi mình. Thế là bọn họ bắt đầu điều tra nhưng điều bất ngờ hơn là Phán Củi chính là anh chàng Phong Khê đấy. Bao vỡ lẽ khiến bọn họ thật sự bất ngờ nhưng chính lúc ấy cũng là lúc Phán phải về quê, từ bỏ việc học mà trông nôm mẹ già ở quê. Mơ ước vào giảng đường phải dừng lại... Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy bọn Thục có bao cảm xúc. Dẫu có ranh mãnh thế nào thì họ vẫn rất ngây thơ, vui vẻ biết bao khi đọc những lá thư trong hộc bàn của Thục, khi nhận được bánh kẹo, ổi, xoài, socola từ anh chàng Phong Khê. Có cái cảm giác thoáng bối rối, thẹn thùng cùng mong ước gặp mặt Phong Khê của Thục. Có cả cảm giác bùi ngùi, lưu luyến khi phải chia tay với Phán… Tất cả như một giấc mơ đẹp trong lòng của mỗi người họ cũng như trong mỗi chúng ta.

Tình cảm học trò là tình cảm đáng quý, khó phai trong đời. Tình cảm ấy không có chút ràng buộc nào nhưng lại làm cho người ta lưu luyến không thôi cũng không một chút lợi dụng về vật chất mà chỉ có sự chân thành. Có lẽ đó là thứ tình cảm đẹp nhất bởi nó thật ngây ngô, trong sáng, hồn nhiên nhưng chẳng thiếu chút bối rối, ngượng ngùng của một chớm nở tình yêu như bức thư cuối cùng mà phán hay chính Phong Khê gửi cho Thục “Thư được gửi đi bởi bồ câu nhưng bồ câu chỉ gửi thư cho những người không ghét nhau...Phán được làm quen và nói chuyện với Thục qua những lá thư trong hộc bàn đã vui lắm rồi...”

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.