Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Kho tài liệu sốĐọc sách viết cảm nhậnCảm nhận về tác phẩm “Ngày xưa có một chuyện tình”

Cảm nhận về tác phẩm “Ngày xưa có một chuyện tình”

BÀI ĐẠT GIẢI KHUYẾN KHÍCH CẢM NHẬN VỀ NHỮNG TÁC PHẨM
CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN NHẬT ÁNH

(Họ và tên: Đỗ Hiếu Ngân – 10T – Trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu)

“Ngày xưa có một chuyện tình” là tác phẩm mới tinh thứ 2 trong năm 2016 của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dài hơn 300 trang, được coi là tập tiếp theo của tập truyện Mắt biếc: “Có một tình yêu dữ dội, với em, của một người yêu em hơn chính bản thân mình – là anh”.

“Ngày xưa có một chuyện tình” có phải là một câu chuyện cảm động khi người ta yêu nhau, nỗi khát khao một hạnh phúc êm đềm ấm áp đến thế; hay đơn giản chỉ là chuyện ba người – anh, em và người ấy...? Với “Ngày xưa có một chuyện tình, Nguyễn Nhật Ánh không chỉ viết về chuyện tình dang dở, anh còn muốn dựng lại câu chuyện tình của “một thế hệ yêu nhau” đẹp như cổ tích.

Khi mở sách ra, độc giả sẽ được chứng kiến làn gió tình yêu chảy qua như rải nắng trên khuôn mặt mùa đông của cô gái; nụ hôn đầu tiên ngọt mật, cái ôm đầu tiên, những giọt nước mắt và cái ôm xiếc cuối cùng của tấm tình người yêu người...Và người đọc sẽ tìm thấy câu trả lời, cho riêng mình.

Truyện nói về ba người bạn chơi thân với nhau là Vinh, Phúc và Miền. Câu chuyện tình tay ba tưởng chừng rắc rối, tưởng chừng đã làm tan vỡ tình bạn, thế nhưng không phải, bác Ánh đã cho chúng ta thấy một câu chuyện về tình yêu, tình bạn buồn có, đau khổ có nhưng trong sáng và đẹp hơn bao giờ hết. Đọc đến đoạn cuối cùng của câu chuyện rất cảm động. Khiến người đọc tự hỏi trong cuộc đời thực này có tồn tại một câu chuyện tình như vậy không, có tồn tại những con người đã vượt qua ham muốn, ích kỷ nhỏ nhen của bản thân để cuối cùng giữ lại trong lòng độc giả một câu chuyện tình quá tuyệt vời...

                          “Hạ đỏ có chàng đến hỏi
                          Em thơ, chị đẹp em đâu?”

Tôi thích hai câu thơ này trích từ bài Tình sầu của Huyền kiêu mà Nguyễn Nhật Ánh mượn làm lời đề từ của cuốn truyện dài Hạ đỏ. Thậm chí nó cũng có thể mượn để làm lời đề từ cho bất cứ cuốn truyện dài nào của anh, đặc biệt về những câu chuyện về đề tài tình đầu., những câu chuyện đọc xong rồi cứ buồn thương vương vấn, về những đứa trẻ cùng lớn lên ở một cái làng quê nghèo mà xa ngái đâu đó ở miền Trung, của những cậu chàng mới lớn loay hoay ôm ấp mối tình đầu tổn thương của mình, khi cô gái mình thầm yêu trộm nhớ đem lòng yêu kẻ khác, nên cứ thế ôm một mối tình đơn phương vô vọng....

Không giống như những cuốn truyện khác, cuốn này bác Ánh miêu tả tâm lí nhân vật bằng cách tự để nhân vật bộc lộ nên từng trang là cảm xúc riêng của từng nhân vật chính Vinh, Phúc, Miền. Tình cảm của tình yêu sét đánh và tình yêu vung vầy, những cảm xúc của tình yêu và đạo đức, một tình yêu đẹp rốt cuộc cùng đến từ vẻ đẹp của đạo đức, câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh đã trở nên gây cấn và tình tiết hấp dẫn hơn so với những tác phẩm trước. Đối với tôi tác phẩm này là một sự đột phá. Câu chuyện khiến tôi phải nghĩ rất nhiều bởi sự rối răm của số phận ba nhân vật và chính mình tự hỏi bản thân sẽ làm gì khi đặt vào hoàn cảnh của họ. Câu hỏi này quá khó và mình thực sự tò mò đến cái kết của câu chuyện.

Tôi nghĩ Nguyễn Nhật Ánh là một người kể chuyện có từ trường trong giọng kể của mình, khiến anh vẫn giữ được phong độ sau hơn 3 thập niên sáng tác, chinh phục hàng triệu độc giả dù chỉ với một cái “vòng tròn” quen thuộc. Điều này xem ra Nguyễn Nhật Ánh khá giống với Haruki Murakami. Họ chỉ viết trong cái “vòng tròn” của họ mà ít khi thoát ra ngoài. Những câu văn của Nguyễn Nhật Ánh, đôi khi chỉ cần một câu kết chương thôi, mà gieo vào lòng người đọc một nỗi buồn khôn tả: “Con chim xanh, mày về đậu trên vai tao, sao mày không báo trước”. Hay “Tôi đã ngỡ tình tôi đã tắt, chiều hôm qua tôi thảng thốt nhận ra nó vẫn cháy trong lòng”.

Chú Ánh vẫn là chú Ánh, vẫn ở Trại Hoa Vàng, vẫn cách kể chuyện giản dị và đi vào tim mình, nhẹ nhàng mà thăm thẳm. Vẫn nhờ trẻ con nhắc người lớn những chuyện họ đã quên, vẫn yêu thương loài vật vô cùng, qua cái cách mà chú ta tả chú chuột theo cách nhìn của trẻ con, con chuột không còn là con vật đáng ghê như chúng ta vẫn coi như vậy, mà ngược lại dễ thương vô cùng... Có khác chăng là câu chuyện được kể bởi nhiều hơn một nhân vật, để cái nhìn tròn trịa hơn, kết thúc vẫn là cách nhắc đến vấn đề xã hội theo cách giản dị và nhẹ nhàng nhất: Hãy nhìn mọi thứ bằng nhiều góc nhìn, để cảm thông nhiều hơn.

Đọc cuốn truyện này xong, bỗng thấy mình ích kỉ, không muốn kể sơ nội dung cho bất cứ ai, hãy đọc và cảm nhận theo cách riêng của mình. Quả thật bác Ánh cho cái kết quá mãn nguyện, như xóa tan những bất hạnh, những sóng gió trong cuộc đời của ba người. Gấp cuốn sách lại đó là cảm giác bình yên trong lòng.

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.