Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Tin tứcHọc tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhNhững mẩu chuyện về Hồ Chí Minh: "Bác để cho phụ nữ muôn vàn tình yêu thương"

Những mẩu chuyện về Hồ Chí Minh: "Bác để cho phụ nữ muôn vàn tình yêu thương"

Cập nhật ngày 10/07/2017
Nội dung mẩu chuyện

Tháng Tư năm 1950, Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất được tiến hành để hợp nhất Đoàn Phụ nữ Cứu quốc vào Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, tôi được cử trong Ban tổ chức trực tiếp đón Bác đến dự Đại hội. Khi có tiếng chị em reo lên “Bác đến” thì đã thấy Bác đi vòng quanh dãy nhà ở của các đại biểu, tuy đột ngột nhưng chị em rất sung sướng vây quanh Bác, ai cũng giành được đứng gần Bác, được nắm tay Bác. Chị em các địa phương đến Đại hội từ Nam Bộ, Khu II, chị em dân tộc miền núi, chị em trong vùng địch hậu... cho đến lúc này đây mới được gặp Bác. Bác quàng vai, nắm tay các chị rồi Bác cháu cùng lên hội trường. Cả hội trường ào lên tiếng vỗ tay, tiếng hô “Bác Hồ muôn năm, Bác Hồ muôn năm”. Bác vẫy tay ra hiệu mấy lần chị em mới chịu ngồi xuống. Bác nói chuyện với Đại hội, Bác biểu dương truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của phụ nữ Việt Nam. Bác nêu gương những chị em miền Nam, khu II và các chị em vùng địch hậu đã tham gia đánh giặc dũng cảm và lao động sản xuất, đóng góp quân lương để bộ đội ăn no đánh thắng. Bác nhắc: “Mỗi chị em đều có thể viết các mẩu chuyện hoạt động của mình và gương dũng cảm mà chị em đã tham gia để gửi cho Bác”.

Cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc đã đến giai đoạn gay go ác liệt. Bác biết các chị em phụ nữ, các bà mẹ ở cả hai miền Nam Bắc còn phải hy sinh nhiều nên Bác đã đề ra cho Hiện Liên hiệp Phụ nữ và ở Đại hội này những nhiệm vụ hậu phương khá nặng nề. Bác dặn phải đoàn kết, phải biết giữ bí mật, phải đảm bảo an toàn cho các cơ sở kháng chiến, phải chăm sóc thương binh và gia đình liệt sĩ... Cả hội trường im lặng, các đại biểu lắng nghe từng lời nói của Bác, tin tưởng tuyệt đối vào lời dạy của Bác. Chị em nói: “Bác đã dạy thì cứ về mà làm, và phải làm đúng, làm tốt để Bác vui lòng”.

Sau Đại hội, tôi được Trung ương cử đi học lớp chính trị Mác – Lênin ở Trung Quốc. Trước khi đi, Bác đến thăm anh chị em, Bác ân cần căn dặn: “Trung ương cử các cô các chú đi học chứ không phải đi du học. Trước đây con nhà giàu thì họ đi du học nghĩa là vừa chơi vừa học, còn các cô các chú học là để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Bác thân mật kể cho chúng tôi nghe những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác. Bác nói: “Chơi với bạn cũng là học, nhưng cần phải tỉnh táo đừng để bạn lợi dụng mình. Đối với nhân dân có những điều người ta chưa hiểu hoặc không thích thì không nên nói, không nên giải thích nhiều. Phải biết khiêm tốn học hỏi nhân dân thì nhân dân mới vui lòng làm theo đường lối, chính sách của Đảng”.

Đi học về, tôi được Trung ương Hội cử làm công tác Tuyên huấn. Cuối năm 1953 đầu năm 1954, Trung ương Hội nhận nhiệm vụ vận động phụ nữ viết thư thăm hỏi các chiến sĩ đang chiến đấu tại mặt trận Điện Biên Phủ. Lúc đó, tôi lại sinh cháu đầu lòng mặc dầu công việc rất bận rộn, nhưng tôi làm việc rất nhiệt tình và rất phấn khởi. Các bức thư mà chị em phụ nữ ở các nơi gửi về Trung ương Hội được đến tay các chiến sĩ, Bộ Quốc phòng rất hoan nghênh, vì các chiến sĩ ngoài mặt trận được hậu phương động viên kịp thời. Tết năm đó tôi được Trung ương Hội tặng một bức thư chúc tết của Bác và một huy hiệu của Bác. Tôi rất cảm động và vinh dự khi nhận phần thưởng trên do chị Hoàng Thị Ái trao cho.

Tôi sinh cháu được một tháng 24 ngày thì đúng vào dịp Bác đến thăm cơ quan phụ nữ Trung ương. Tất cả các chị em trong cơ quan đều xúm xít quanh Bác để hỏi thăm sức khỏe Bác. Đồng chí Thư ký của Bác nói nhỏ với chị Ái: “Bác rất ít thì giờ, các chị chỉ nên nói chuyện vui”. Nhân lúc Bác hỏi thăm sức khỏe chị em, chị Hoàng Thị Ái và chị Đinh Thị Cẩn báo cáo với Bác ở cơ quan có đồng chí Hảo và đồng chí Huê mới sinh hai cháu gái. Bác hoan hô hội viên tí hon rồi Bác hỏi ngay:

- Mẹ con các cô ấy có khỏe không?

Chị Cẩn nói:

- Thưa Bác, mẹ con đồng chí Huê còn yếu vì sinh cháu thiếu tháng ạ.

Rồi chị Cẩn vẫy tay bảo tôi bế cháu ra. Bác nhìn cháu rồi Bác hỏi ngay:

- Cô có sữa cho cháu bú không?

Tôi thưa:

- Thưa Bác có ạ!

Bác lại căn dặn phải giữ gìn sức khỏe để đủ sữa cho cháu bú. Nghe lời Bác dặn tôi cảm động quá, không sao cầm được nước mắt. Những lời khuyên của Bác thật là đầm ấm, ruột thịt, tình cảm mà tôi thấy rất cần cho tôi lúc đó.

Năm 1961, nhân ngày mùng 8 tháng Ba, Trung ương Hội xin Bác viết cho mấy lời về nhiệm vụ mới. Bác cho gọi tôi lên. Bác nói: “Bác đã xem xong bản thảo, Bác đã sửa những câu nói tuy nhấn mạnh nhưng có tính chất kêu gọi suông” rồi Bác thân mật bảo tôi: “Cô xem lại đi, Bác sửa thế cô đã ưng ý chưa?”. Bác thấy tôi còn băn khoăn, bác lại thân mật hỏi: “Cô muốn để những câu đó làm gì? Năm nay nếu Bác viết thêm câu này thì sang năm Bác viết câu gì? Theo Bác, chị em làm được đến đâu thì ta kêu gọi đến đấy! Các cô muốn viết cho thật kêu, nhưng ta phải tùy sức chị em”. Bác lại hỏi: “Thế nào, cô con gái đã ưng ý chưa?”. Tôi rụt rè thưa: “Thưa Bác, Bác cho ý kiến như thế là rất đúng ạ!” Hôm ấy rất vinh dự cho tôi là sau khi làm việc xong Bác cho tôi ở lại ăn cơm chiều với Bác. Cử chỉ của Bác thân mật, tự nhiên như một người cha lâu ngày mới gặp con gái. Bác gắp cho tôi thức ăn. Bác nói: “Cô ăn đi, cá rán là cá thả ngoài hồ, ớt trồng trong vườn Bác vừa hái”. Bác giục tôi phải ăn hết thức ăn Bác gắp cho tôi thì Bác mới vui lòng. Vừa ăn cơm tôi vừa suy nghĩ. Xúc động quá! Thân mật quá! Tôi thấy Bác vui hơn, Bác ăn ngon miệng hơn. Thật là sung sướng và suốt cuộc đời tôi không sao quên được bữa cơm chiều ngày hôm ấy.

Ngày 3 tháng Chín năm 1969 nhân dân ta đột ngột nhận được một tin đau thương vô hạn. Bác đã đi xa trong lúc cuộc kháng chiến ở cả hai miền Nam Bắc diễn ra quyết liệt để giành cho được ngày Bắc Nam sum họp như lòng mong muốn của Bác. Bác đã để lại cho nhân dân và phụ nữ ta muôn vàn tình thương yêu. Ngày hôm đó không kể gì trời mưa tầm tã, tôi và mấy đứa con tràn cả xuống đường, nhập vào hàng ngũ hàng vạn người xếp hàng để vào viếng Bác. Tiếng khóc nức nở từ đáy lòng, nước mắt tràn đầy gò má của các bà, các chị, các cháu thiếu nhi, những người mà Bác luôn trìu mến thương yêu. Những ngày sau đó tôi được cử vào hai đoàn trực bên linh cữu của Bác do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Nông nghiệp tổ chức vĩnh biệt Bác. Tôi luôn ôn lại và nghĩ tới những lời căn dặn của Bác trước đây để làm hướng phấn đấu của đời mình.

Năm 1971 tôi được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cử đi dự Đại hội Phụ nữ Ấn Độ (phiên dịch cho đoàn là đồng chí Nguyễn Dy Niên). Khi đến Calcuta có bà Phó Hội trưởng Phụ nữ của bang ra đón đoàn Việt Nam và mời đoàn về ở tại nhà bà. Ông chồng bà là bác sĩ có tham gia phong trào hòa bình ở Ấn Độ. Gặp chúng tôi ông vui vẻ nói chuyện và hết lời ca ngợi về Bác Hồ của chúng ta. Ông đã được nghe Bác nói chuyện khi Bác đến Ấn Độ năm 1958 và ông tỏ ra rất kính trọng Bác. Ông nói: “Các bạn Việt Nam hạnh phúc vì có vị lãnh tụ vĩ đại như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dầu đất nước các bạn đang có chiến tranh, nhưng chúng tôi tin chắc nhờ có đường lối chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh các bạn sẽ vượt qua được tất cả để giành toàn thắng”. Hôm sau đoàn chúng tôi đến Mangát, các đại biểu phụ nữ ở đây ra đón. Các cô sinh viên đem những vòng hoa đại choàng vào cổ tôi (theo phong tục Ấn Độ) và mời chúng tôi về khách sạn. Bốn cô sinh viên ở lại với tôi suốt đêm hôm đó. Mặc dầu không có phiên dịch chúng tôi vẫn nói chuyện được với nhau qua bức ảnh tôi được chụp với Bác từ hồi còn thanh niên. Khi gặp đồng chí phiên dịch các cô nói rất nhiều chuyện về hoạt động của sinh viên Ấn Độ ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta. Một cô khoe ông ngoại của cô đã được thấy Bác khi Bác qua Ấn Độ. Nghe ông cô kể lại Bác như một vị tiên, Bác giản dị, thân mật khi gặp gỡ, thăm hỏi nhân dân Ấn Độ còn nhân dân Ấn Độ thì coi Bác như một vị thánh của chính họ.

Đến Đại hội, các đại biểu phụ nữ Ấn Độ xúm xít quanh tôi, các bạn đều cười nói vui vẻ với câu “Việt Nam Hồ Chí Minh” và nói với chúng tôi: “Phụ nữ Việt Nam sung sướng quá! Nước các bạn tuy còn nghèo lại đang có chiến tranh, nhưng vẫn được Đảng và Bác Hồ tạo mọi điều kiện cho phụ nữ được học hành và tham gia công việc xã hội. Đấy là những điểm mà phụ nữ nhiều nước, cũng như phụ nữ Ấn Độ chúng tôi còn mơ ước”.

Năm 1972, tôi lại được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cử đi dự Đại hội Phụ nữ châu Mỹ La tinh. Đoàn có tôi và đồng chí Thủy, đồng chí Cương phiên dịch. Đến thủ đô Chi-lê dự Hội nghị trong hoàn cảnh bọn phản động ở nước này đang gây bạo động để chống phá Chính phủ do Tổng thống Xan-va-đo Agenđê đứng đầu.

Đại hội đã được nghe đại biểu của Liên đoàn phụ nữ Dân chủ quốc tế báo cáo về tình hình phụ nữ châu Mỹ La tinh. Mặc dầu châu Mỹ La tinh giàu tài nguyên nhưng với chính sách áp bức bóc lột vô cùng dã man và thâm độc của chủ nghĩa thực dân mới, chị em phụ nữ rất khổ cực, không đủ cơm ăn, việc làm không có, không được học hành, không nhà ở, không có hạnh phúc. Một đại biểu Uruguay nói với chúng tôi: “Nước chúng tôi cũng có Đảng, khi vào Đảng tôi ủng hộ một nhẫn vàng nhưng Đảng chúng tôi chưa có đường lối cụ thể để đem lại quyền lợi và hạnh phúc cho nhân dân và phụ nữ. Nước các bạn tuy có chiến tranh nhưng tôi thấy các bạn rất sung sướng vì các bạn có Bác Hồ và Đảng của các bạn có đường lối đúng.” Một đại biểu phụ nữ Bôlivia tặng đoàn phụ nữ Việt nam một bức tranh về Bác Hồ do một nữ họa sĩ Bôlivia vẽ. Tôi và chị mã Thị Chu (Trưởng đoàn Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam) tay run run đón nâng bức tranh của Bác lên mà lòng vô cùng xúc động vì thấy cả hội trường đều đồng thanh hô theo nhịp: “Việt Nam – Hồ Chí Minh, Việt Nam – Hồ Chí Minh”. Các đại biểu khác thì nói với chúng tôi: “Bác Hồ là lãnh tụ vĩ đại của các bạn và của chúng tôi, chúng tôi rất tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh vì chúng tôi biết Chủ tịch luôn luôn chăm lo đến đời sống và quyền lợi của phụ nữ và trẻ em các nước nghèo”.

Nhân lúc Đại hội sắp bế mạc, chúng tôi nhận được tuyên bố của Chính phủ ta (ngày 18/10/1972) lên án và vạch rõ âm mưu của Chính phủ Mỹ trì hoãn việc ký kết Hiệp định Paris. Để đảm bảo thời gian của Đại hội, bà Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ quốc tế đã đồng ý để đoàn chúng tôi mời đại biểu phụ nữ Cu-ba đọc toàn văn bản tuyên bố của Chính phủ ta. Nghe xong các đại biểu mới rõ sự thật về luận điệu lừa dối của đế quốc Mỹ. Có địa biểu đã hô lớn: “Đả đảo đế quốc Mỹ” đòi Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Sau đó các địa biểu đều yêu cầu đoàn Việt Nam dịch cho mỗi đại biểu một bản tuyên bố của Chính phủ ta để đem về nước cho nhân dân và phụ nữ nước bạn biết được sự thực trên. Đoàn ta đã phân phát được trên một nghìn bản cho các địa biểu.

Sau Đại hội, Tổng thống Xan-va-đo Agenđê mời các đại biểu vào dinh Tổng thống dự tiệc. Tổng thống và vợ đã gặp đoàn chúng tôi. Ông đã có dịp sang Việt Nam, ông rất kính trọng Bác Hồ và rất khâm phục chính sách mặt trận đại đoàn kết toàn dân của Bác. Khi về nước, ông thực hiện được một số việc như tập hợp các Đảng phái tiến bộ, lập mặt trận đoàn kết toàn dân, làm nhà ở cho những người dân lang thang không nhà, giải quyết việc làm cho dân bà giải quyết một số vấn đề xã hội theo hướng tiến bộ. Ông được nhân dân Chi-lê kính mến và tin yêu. Chúng tôi cũng đã được đến thăm một khu nhà mà dân ở đây gọi là công trình của ngài Tổng thống.

Đầu tháng Mười một năm 1972 chúng tôi đến Lima thủ đô Pêru để dự Đại hội Phụ nữ Pêru. Lúc này Pêru và Việt Nam chưa có quan hệ ngoại giao. Khi chúng tôi đã chuẩn bị đem theo 50 bản tuyên bố của Chính phủ ta, nhưng vẫn lo ngại sợ họ có thể gây khó dễ cho đoàn. Nhưng ngược lại khi đến sân bay, chúng tôi đã thấy hàng ngàn người dân Pêru, phụ nữ Pêru ra đón đoàn, từ xa đã thấy họ hô: “Việt Nam – Hồ Chí Minh”. Tuy bị đế quốc Mỹ lừa dối và bưng bít, nhưng qua thái độ của nhân dân Pêru chứng tỏ họ đã hiểu về cuộc chiến đấu chính nghãi của nhân dân ta. Hàng trăm người gồm các nhà báo, thông tấn, đại diện các giới náo nức muốn biết về tình hình cuộc chiến đấu của Việt Nam chống đế quốc Mỹ. Họ vây kín lấy đoàn và đưa ra nhiều câu hỏi. Chúng tôi đề nghị phụ nữ Pêru tổ chức cuộc hợp báo để đoàn chúng tôi trả lời những câu hỏi trên. Chỉ sau 30 phút, hơn 300 đại biểu đã đến trụ sở Hội phụ nữ và chúng tôi đã có mặt. Biết đoàn chúng tôi có bản tuyên bố của Chính phủ Việt Nam nên đại biểu của báo nào cũng muốn lấy trước. Chúng tôi phải nhờ Phụ nữ Pêru in ra nhiều bản (họ in rất nhanh, chỉ sau 30 phút có ngay hàng trăm bản) để phát đủ cho các nhà báo và những người tham dự. Ngay chiều hôm đó đã có báo đăng toàn văn bản tuyên bố của Chính phủ ta. Lúc đó chúng tôi mới mừng và thấy sự chuẩn bị của mình rất có ý nghĩa.

Bà Hội trưởng Phụ nữ Pêru là một bác sĩ ngoại rất giỏi và rất có uy tín với nhân dân Pêru, gặp đoàn Việt Nam bà rất mừng. Theo bà, chỉ có đoàn Phụ nữ Việt Nam tới Đại hội thì mới thỏa mãn được lòng mong muốn của bà vợ Tổng thống. Chúng tôi biết bạn có khó khăn nên bàn với bà Hội trưởng việc đón bà Tổng thống đến dự Đại hội. Cuộc tiếp đón diễn ra như dự kiến. Đoàn xe ô tô của Việt Nam từ Dinh Tổng thống đến Đại hội được nhân dân Pêru hoan hô nhiệt liệt. Họ đứng chật hai bên đường và đổ cả xuống đường để hoan hô đoàn Việt Nam. Họ hô lớn: “Việt Nam – Hồ Chí Minh”. Đến Đại hội, các đại biểu đã chờ sẵn để hoan hô đoàn. Sau lời khai mạc các đoàn đọc lời chào mừng. Đặc biệt bài diễn văn chào mừng của đoàn ta đã nêu cao được truyền thống đấu tranh bất khuất của nhân dân Pêru. Ca ngợi bà vợ quá cố của anh hùng dân tộc Len-mắc-ta-ma-run, đề cao nhân dân Pêru và phụ nữ Pêru ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta. Đồng thời chúng ta cũng tỏ lời cảm ơn ngài Tổng thống Pêru đã lên tiếng phản đối đế quốc Mỹ thả mìn ở cảng Hải Phòng. Cả hội trường vang lên tiếng hoan hô, ủng hộ Việt Nam, phản đối đế quốc Mỹ. Kết thúc lời chào mừng, đoàn ta đã tặng Hội phụ nữ Pêru và đặc biệt tặng vợ Tổng thống Pêru lọ hoa bằng xác máy bay Mỹ do nữ dân quân ta bắn rơi. Cả Hội trường vang lên tiếng vỗ tay không ngớt. Bà vợ Tổng thống tỏ ra rất thảo mãn nên ngay sau buổi khai mạc bà đã mời tất cả các đại biểu dự Đại hội vào dinh Tổng thống dự tiệc. Bà luôn luôn tươi cười khi tiếp khách. Gặp đoàn chúng tôi bà tỏ lời cảm ơn và mời chúng tôi đi thăm tỉnh Cốt-cô (tỉnh còn giữ nguyên chế độ nguyên thủy) bằng máy bay riêng.

Sau Đại hội chúng tôi đi thăm một số nơi, đi đến đâu chúng tôi cũng thấy diễn ra sự cách biệt vô cùng khủng khiếp giữa người giàu và người nghèo. Ở ngoại vi thủ đô, những người nghèo không có nhà, họ phải dựa vào núi đất đào hành hang hốc để ở, không có nước, không có điện. Hằng ngày họ phải xuống thành phố làm thuê, nhặt thức ăn thừa và đem nước về uống. Chúng tôi đã đến cảng Ladao, cảng chuyên xuất bột cá. Ông thủ kho già gặp chúng tôi, biết là đoàn Việt Nam ông mừng lắm. Ông nói luôn: “Việt Nam Hồ Chí Minh”. Rồi ông kể lại trước đây hồi Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trẻ đã có lần qua đây và hiện nay đang sưu tầm những kỷ vật có thể có được về Chủ tịch Hồ Chí Minh để tặng lại Đảng Lao động Việt Nam. Một số đoàn được Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Pêru tiếp. Qua trao đổi thấy các đồng chí có băn khoăn về việc Đại hội Phụ nữ đón tiếp bà vợ Tổng thống. Nhân lúc các đồng chí hỏi về chính sách mặt trận của Đảng ta và công tác vận động phụ nữ, chúng tôi nói với các đồng chí việc bà vợ Tổng thống đến Đại hội Phụ nữ Pêru cũng là một dịp để các bà ở tầng lớp trên tham gia vào phong trào phụ nữ ngày một tốt hơn, mặt trận phụ nữ Pêru ngày một mở rộng thêm. Chúng tôi hoan nghênh chủ trương của Đảng Cộng sản Pêru, đặc biệt là chủ trương của Bộ Chính trị Trung ương Đảng cho Đại hội Phụ nữ Pêru họp với đại biểu các thành phần rộng rãi để bàn về công tác vận động phụ nữ Pêru tham gia xây dựng đất nước theo kinh nghiệm của Việt Nam. Sau khi nước nhà được độc lập, Hồ Chủ tịch của chúng tôi đã cho phụ nữ tổ chức thành một mặt trận. Người nói rằng chị em các tầng lớp trên và các thành phần rộng rãi trước đây họ chưa có dịp tham gia cứu nước, thì nay tổ chức chị em lại, tạo mọi điều kiện để chị em có dịp tham gia xây dựng đất nước. Người rất tâm lý, người không muốn một ai đứng ngoài công cuộc xây dựng đất nước. Nhờ có chủ trương đó, công tác vận động phụ nữ của chúng tôi có rất nhiều thuận lợi. Chị em tầng lớp trên hăng hái gia nhập Hội. Họ là những hội viên danh dự, đóng góp nhiều công sức, tiền của cho Hội hoạt động. Nhiều hội viên tích cực đã vận động con cháu tham gia hoạt động xã hội, gia nhập quân đội, chấp hành các chính sách thuế kháo, giảm tô, cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, ủng hộ bộ đội tham gia kháng chiến...làm cho mặt trận phụ nữ ngày càng được mở rộng. Con cái của họ đã trở thành những người lãnh đạo Nhà nước, chỉ huy quân đội và các nàh khoa học, công nhân kỹ thuật... đang đóng góp phần tích cực vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ của chúng tôi.

Nghe xong, các đồng chí đã cảm ơn đoàn và nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài, người bạn rất kính trọng của Đảng và nhân dân Pêru. Công tác mặt trận đoàn kết toàn dân, đoàn kết các tầng lớp phụ nữ của Đảng Lao động Việt Nam và của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là một bài học lớn cho chúng tôi”.

Ngày nay, tôi luôn luôn nghĩ về Bác, ôn lại những ngày đã được gặp Bác, được nghe Bác chỉ bảo cặn kẽ những đường đi, nước bước, được thấy hết những tình cảm yêu thương của Bác đối với nhân dân và phụ nữ nước ta. Ở các nước mà tôi đã được đi tới có người đã được gặp Bác, cũng có người chưa gặp Bác lần nào, nhưng họ lại rất hiểu về Bác của chúng ta. Họ kính trọng, trìu mến và luôn luôn nghĩ về Bác, tìm tòi những điều tâm đắc nhất để học hỏi, để noi gương.

Vinh dự và tự hào cho dân tộc ta, phụ nữ ta – những người đã được sống và làm việc ở thời đại Hồ Chí Minh lịch sử. Đường lối giải phóng phụ nữ của Đảng, của Bác đã đưa phong trào phụ nữ, con người phụ nữ từng bước trưởng thành. Bác đã thật sự để lại cho nhân dân ta, phụ nữ ta muôn vàn tình thương yêu.

Mỹ Hảo
(Theo: Bác Hồ trong trái tim phụ nữ Việt Nam)

Trích “Những chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trang 12 - 24. Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ bạn đọc tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp: Phòng đọc tại chỗ: KEVV16.1784; Phòng mượn: MEVV16.4857.

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.