Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Tin tứcHọc tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhNhững mẩu chuyện về Hồ Chí Minh: "Chú Thu"

Những mẩu chuyện về Hồ Chí Minh: "Chú Thu"

Cập nhật ngày 21/09/2017
Nội dung mẩu chuyện

... Năm 1941 chồng tôi hoạt động cách mạng bị đế quốc Pháp bắt giam ở nhà tù Sơn La. Sau đó tôi cũng bị chúng bắt lên đồn, và đang đêm tôi đã tìm cách trốn thoát. Vào núi được vài hôm, tôi cùng với một số đồng chí vượt biên giới sang Bình Mãng ở nhà một số đảng viên Trung Quốc. Tôi ở đấy hơn một tuần thì được anh Trịnh Đông Hải và anh Lê đến thăm rồi đưa tôi đi.

Không rõ đi đâu nhưng vì nguyên tắc bí mật, tôi không dám hỏi. Gần sáng, hai anh đưa tôi về tới lán anh Dương Đại Lâm ở trong rừng Pác Bó. Anh chị Lâm nhận tôi là em. Sáng hôm sau, anh Lâm bảo tôi: “Anh em ta đi gặp Ông Cụ”. Anh Lâm dẫn tôi lội theo dòng Khuổi Nậm, nước chảy rất mạnh. Rừng sâu thăm thẳm, tôi cứ bám sát anh. Đi một lúc tới một lán nhỏ dựng bên suối. Trong lán có một Ông Cụ mặc quần áo Nùng, trán cao, mắt sáng, râu dài, vẻ người hiền hậu nhưng rất quắc thước. Tôi chưa kịp chào, cụ đã bảo: “À! Cháu đã đến, cháu ngồi đây, chú cháu ta nói chuyện với nhau!”. Chưa gặp tôi bao giờ nhưng không hiểu sao Ông Cụ lại hiểu rõ hoàn cảnh của tôi. Cụ nói đại ý:

- Cháu bỏ nhà đi làm cách mạng là con đường đúng nhất, vì chỉ có con đường: một là chịu làm nô lệ để Pháp đè đầu cưỡi cổ, hai là đi làm cách mạng đấu tranh cho nguyện vọng của nhân dân các dân tộc, làm cho nước nhà được độc lập, được tự do, bình đẳng, được cơm no áo ấm, được học hành. Không đánh đuổi thực dân Pháp thì không thể nào có tự do hạnh phúc, vì nước mất thì nhà tan, cháu có muốn ở nhà yên phận làm ăn, chúng cũng chẳng để yên. Chồng sẽ lìa vợ, cha phải lìa con. Nếu không bị bắt, thì cháu làm cũng không đủ nộp thuế nộp sưu. Cháu có nhân thấy thế không? Bây giờ cháu nên nhớ, gia đình cháu là gia đình yêu nước. Ta cứu được nước thì nhà cửa sẽ còn, hạnh phúc gia đình mới có. Cháu xót xa, chú cũng xót xa, nhưng không được buồn phiền. Phải tin tưởng ở tương lai mà phấn đấu. Chồng cháu sẽ có ngày về...

Khuyên bảo tôi xong, Bác đặt tên tôi là Trưng? Có lẽ chú muốn nhắc nhở trong lòng tôi noi gương Bà Trưng, Bà Triệu là những phụ nữ anh hùng của dân tộc ta. Sau đó chú Thu đưa cho tôi ba đồng để mua vải may quần áo Nùng, mặc theo lối địa phương cho khỏi lộ. Tôi vô cùng cảm kích. Trước cảnh nhà tan, tôi mang nặng trong lòng nỗi buồn phiền gần như tuyệt vọng. Nhưng từ lúc gặp chú Thu, tôi lại cảm thấy như hươu non lạc rừng gặp mẹ. Chú đã giúp tôi trút hết gánh buồn phiền, khiến tôi tin tưởng vào tiền đồ cách mạng và mong muốn hoạt động nhiều hơn.

Từ đó, hàng ngày công việc dù bận đến mấy, chú Thu vẫn dành hai mươi phút để dạy bảo tôi từ việc nấu ăn đến việc học tập chủ nghĩa cộng sản. Hồi còn ở nhà, tôi đã được chồng tôi và các đồng chí cán bộ bí mật tuyên truyền giáo dục, nhưng tôi còn hiểu hời hợt. Gặp chú Thu, nhận thức của tôi về cách mạng ngày một mở rộng và sâu sắc thêm. Chú Thu còn giảng cho tôi nghe về nhiệm vụ của đoàn thể Việt Minh, còn về nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Đông Dương thì chú giảng rất kỹ.

Đặc biệt chú giảng cho tôi nhiều và rất kỹ về vấn đề giải phóng phụ nữ. Tôi còn nhớ rất rõ lời chú: “Lực lượng phụ nữ chiếm một nữa nhân loại; ở nước ta, phụ nữ chiếm một nửa nhân dân. Nếu không giải phóng phụ nữ thì cách mạng không thể thành công được”.

Học lý thuyết đến đâu, chú Thu lại giao việc cho tôi thực hành ngay đến đấy. Khi báo cáo kết quả, có ưu điểm, chú giúp đỡ sữa chữa.

Sau khi nói về nhiệm vụ và kể những mẩu chuyện giáo dục tư cách cao quý của người đảng viên, chú Thu thường hỏi lại tôi: “Cháu có làm được như vậy không?”. Nhiều việc tôi cảm thấy rất khó nhưng đều trả lời: “Cháu làm được ạ” để có quyết tâm phấn đấu. Tôi nhớ nhất một lần chú Thu kể cho tôi nghe chuyện một nữ đồng chí Hồng quân Trung Quốc được cử về một vùng dân tộc thiểu số để giác ngộ cách mạng cho quần chúng, nhưng vì chưa nắm được phong tục tập quán địa phương nên đã gây trở ngại cho công tác. Phong tục của nhân dân vùng này là quét nhà phải vun rác lại ở một góc, năm ngày sau mới được đem đổ. Chị Hồng quân không hiểu điều đó cứ quét nhà xong là hót rác đem đổ. Thấy vậy, chủ nhà không bằng lòng, rất lo sợ, nhưng không nói ra. Chẳng may, trong nhà có người chết, chủ nhà cho là tại chị làm theo “ma nhà” nên mới xảy ra tai họa. Tình hình trở nên gay go, chị Hồng quân không hoàn thành nhiệm vụ phải chuyển đi nơi khác. Sau khi kể, chú Thu căn dặn tôi: Muốn vận động quần chúng làm cách mạng thì phải hòa mình vào quần chúng, tôn trọng phong tục tập quán của họ. Chú Thu lại kể thêm cho tôi nghe một số gương tốt về công tác dân vận khác, đoạn chú giao cho tôi nhiệm vụ làm thân với chị em phụ nữ làng Pác Pó. Và thông qua chị em mà tìm hiểu hoàn cảnh từng gia đình, làm quen với mọi người trong làng. Chú cho tôi tự định lấy thời gian. Công việc ấy quả thực khó, nhưng nghĩ tới công ơn giáo dục của chú, tôi mạnh dạn hứa xin một tháng sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Chú Thu gật đầu: “Một tháng hơi nhanh, nhưng cháu cứ thử làm xem”. Đúng một tháng sau, tôi hoàn thành nhiệm vụ và về báo cáo với chú. Ngày hôm ấy, chú Thu dành thời gian nghe tôi báo cáo công tác.

Ngoài công việc chú còn dành cho tôi tình cảm sâu rộng của một người cha. Thỉnh thoảng, chú lại hỏi tôi: “Cháu có khỏe không? Cháu thèm ăn gì?”. Có lần tôi trả lời: “Cháu thèm ăn xôi lắm”. Thế là chú Thu bảo đồng chí Lộc đi lấy gạo nếp nấu cho tôi ăn. Tết năm ấy, lần đầu tiên xa gia đình, tôi muốn về thăm mẹ, thăm em và bản làng. Nhưng chú Thu không cho về. Chú khuyên: “Bọn mật thám thường giăng lưới bắt cán bộ cách mạng vào dịp này, vì người thân thích thường hay sum họp vào ngày Tết. Cháu về tức là đem thân vào miệng cọp”. Tôi tủi cực quá, nước mắt cứ giàn ra. Chú Thu cũng ngậm ngùi, lấy cho tôi chiếc khăn mùi xoa có hoa đỏ và chiếc còng gà luộc. Chú bảo: “Quà tết của cháu đây. Cháu lau nước mắt đi rồi ăn còng gà. Ở gia đình cách mạng rồi cháu cũng sẽ vui như ở nhà mình thôi”.

Chú Thu đã hiểu thấu phong tục người Tày rất quý con trẻ: Mổ gà bao giờ cũng để phần cho trẻ còng gà. Chú đã nghĩ đến tôi, cưng tôi như cha mẹ cưng chiều con gái vậy. Tôi rất cảm động, càng không ngăn được nước mắt. Chú Thu quay ra làm việc, thấy vậy như không yên lòng, chú quay lại nói: “Thôi nín đi, ra giêng chú cho cháu về. Tình cảm gia đình ai mà không sâu nặng, nhưng vì lợi ích cách mạng, phải biết nén lại mới được!”.

Chú Thu cũng bắt đầu đi công tác xa. Năm 1944, chú Thu trở về. Sau khi sang tới Trung Quốc, bọn Tưởng Giới Thạch bắt giam, nhưng cuối cùng không kiếm nổi bằng chứng buộc tội, chúng phải thả chú tự do về nước. Sung sướng biết nhường nào, ở trong nhà tù về, chú đã chuẩn bị cho tôi một món quà vô cùng quý giá. Đó là quyển Binh pháp Tôn Tử do chú dịch và đề thơ ở ngoài bìa:

“Vở này ta tặng cháu yêu ta,
Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là,
Mong cháu ra công mà học tập,
Mai sau cháu giúp nước non nhà”.

Binh pháp Tôn Tử, món quà rất hợp với yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang chuẩn bị khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ lâu, ngoài các công tác khác, chúng tôi đã tích cực tập quân sự dưới sự chỉ huy của đồng chí Đinh. Được sách quý, tôi nghiền ngẫm học đến mức thuộc lòng và vận dụng rất bổ ích vào công tác.

Ngày mồng 2-9-1945, Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập tại Vườn hoa Ba Đình. Một niềm vui lớn lại đến với chúng tôi. Chồng tôi đem về một bức ảnh Hồ Chủ tịch. Nhìn ảnh, tôi bỗng ngạc nhiên xúc động:

- Trời ơi! Chú Thu chính là Bác Hồ!

Ngờ đâu Nguyễn Ái Quốc cũng chính là Hồ Chí Minh, là chú Thu kính mến của tôi. Tôi nghẹn ngào vui sướng vô hạn, và riêng đối với tôi, tôi cứ muốn mãi mãi dùng hai chữ chú Thu thân yêu ấy để gọi Bác Hồ.

Nông Thị Trưng
(Theo Avoóc Hồ)

Trích “Những chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trang 108 - 113. Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ bạn đọc tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp: Phòng đọc tại chỗ: KEVV16.1784; Phòng mượn: MEVV16. 4856-4857.

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.