Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Tin tứcHọc tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhNhững mẩu chuyện về Hồ Chí Minh: "Đời tôi gắn liền với hình ảnh Bác Hồ"

Những mẩu chuyện về Hồ Chí Minh: "Đời tôi gắn liền với hình ảnh Bác Hồ"

Cập nhật ngày 28/09/2017
Nội dung mẩu chuyện

Bố tôi làm ở nhà máy điện, được giác ngộ cách mạng và tham gia hoạt động dưới sự chỉ đạo của các đồng chí hoạt động bí mật trong thành. Hồi đó tôi cũng không biết các bác, các chú là ai, chỉ biết là yêu quý các chú và bố thì làm theo những lời các bác, các chú dặn. Chúng tôi canh gác cho các chú họp, khi có động thì làm ám hiệu báo và cuộc họp biến ngay thành cuộc sát phạt đỏ đen của các tay cờ bạc. Đến gần ngày giải phóng thủ đô, các Đảng viên bí mật có chủ trương chống di chuyển máy móc và chống cưỡng ép di cư. Chúng tôi còn nhỏ nên nhiều khi dễ hoạt động hơn người lớn. Bọn trẻ con giả vờ chơi trốn tìm, chạy vào chỗ gara ô tô xì lốp xe hoặc vặn vài cái đinh ốc nhỏ. Đến khi bọn chủ nhà máy lấy xe để di chuyển máy thì xe đã hỏng. Đó là một trong các hình thức chống di chuyển máy. Còn việc chống di cư, chúng tôi giúp các chú rải truyền đơn. Trường Nguyễn Du ở ngay cạnh xưởng đốt lò của nhà máy điện Yên Phụ, bọn học sinh chúng tôi leo lên nóc nhà, tung truyền đơn sang bên xưởng, vận động công nhân không đi di tản, chờ cụ Hồ về. Đến ngày ngừng chiến, tôi được đưa đi học ở vùng giáp ranh để chuẩn bị tháng Mười năm 1954 thì được đưa về Hà Nội. Lúc đó tôi rất náo nức, vui sướng. Sau ngày tiếp quản Thủ đô, tôi vừa đi học vừa tham gia phong trào thanh thiếu niên như đi biểu diễn văn nghệ, làm vệ sinh, giữ sạch đường phố, giữ gìn an ninh…

Thế rồi có tin tôi được chọn đi tặng hoa Bác Hồ, vui sướng. Năm đó tôi mười bốn tuổi, tính tình còn trẻ con, vóc người lại bé nhỏ. Vốn là con công nhân nghèo, tôi không bao giờ nghĩ rằng mình lại có vinh dự đặc biệt như vậy. Buổi tối hôm trước tôi không sao ngủ được, cứ thao thức hoài, các anh chị phụ trách phải vào dỗ cho ngủ để hôm sau khỏi mệt.

Sáng sớm, chúng tôi mặc đồng phục sơ mi cổ bẻ, tay ôm hoa đứng chờ. Trong bốn bạn, tôi bé nhỏ hơn cả. Khi bắt đầu đi, tôi bước chầm chậm theo các bạn. Không thể diễn tả tâm trạng tôi lúc đó thế nào. Có cái gì đó lâng lâng trong lòng, cứ cuộn lên làm tôi không sao kìm nổi, lúc tới gần Bác tôi chạy ào lên, vượt tất cả các bạn, ùa vào vòng tay Bác đang giơ ra đón. Bác bế tôi lên thơm vào hai má. Lúc đó các bạn cũng vừa tới nơi. Bác cho chúng tôi đứng bên cạnh, lúc này tim tôi mới bớt đập thình thịch, tôi bắt đầu ngắm nhìn Bác. Nom Bác hiền quá, đôi mắt sáng tươi cười, chẳng giống chút nào với một lãnh tụ oai nghiêm, xa cách mà tôi tưởng tượng. Chúng tôi đứng bên Người, vẫy chào đoàn diễu hành đi qua lễ đài. Trời nắng lắm, Bác quay lại gọi các chú lấy nước cam cho các cháu uống. Ký ức tuổi thơ tôi ghi sâu kỷ niệm cuộc gặp gỡ với Người. Và tại kỳ thi hết tiểu học, với đề văn là “Em hãy kể lại một chuyện làm cho em ghi nhớ nhất”, tôi đã kể lại lần được đi tặng hoa Bác. Những sự việc, những cảm xúc nóng bỏng trào lên, hiện dần thành từng dòng chữ. Bài văn viết chân thực, cảm xúc trẻ thơ trong sáng làm các thầy cô xúc động. Bài luận đó đã được đem đọc cho các lớp ở trường tôi và các trường bạn nghe.

Sau ngày giải phóng Thủ đô, cuộc sống của tôi có rất nhiều thay đổi. Tôi vừa đi học vừa tham gia các hoạt động của Đoàn Thanh niên do Ủy ban quân quản thành phố tổ chức. Cuộc sống thật mới mẻ, sôi nổi, tôi như lớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Chính thời kỳ này tôi bắt đầu được giác ngộ cách mạng; các việc làm bắt đầu có ý thức chứ không theo cảm tính như trước nữa. Tôi thấy công việc phục hồi Thủ đô sau chiến tranh thật là hứng thú.

Giữa năm 1955, Quốc hội họp khóa đầu tiên sau ngày giải phóng. Tôi được tham gia vào đoàn đại biểu Thủ đô đến chào mừng. Đoàn đã có hai bài phát biểu: một bài của cụ Bùi Bằng Tường, đại diện cho các nhân sĩ, trí thức Hà Nội; một bài của tôi đại diện cho thanh thiếu niên Thủ đô. Tôi vui sướng được nói trước Bác, trước Quốc hội về niềm vui được sống trong độc lập, giải phóng, được quan tâm, chăm sóc, được học hành. Khi tôi nói xong, cả Hội trường xúc động, tôi cũng trào nước mắt khi Bác ôm hôn tôi. Bác cho tôi kẹo và một bông hoa lay ơn. Tôi mang kẹo về trường chia cho các bạn, còn bông hoa lay ơn thì nâng niu đặt vào góc đỏ của lớp.

Đến ngày 1 tháng Sáu năm ấy, một số thiếu nhi Thủ đô và con của một số đồng chí Đại sứ nước ngoài được Bác chiêu đãi ở Phủ Chủ tịch. Tôi cũng ở trong số đó. Khi Bác bước ra, các bạn bạo dạn hơn ùa tới vây quanh Bác. Tôi vốn nhút nhát nên lúc đó đang dắt tay em bé con đồng chí Đại sứ Liên Xô đứng loay hoay ở ngoài. Bác trông thấy vẫy tay gọi: “Cháu vào đây, nào, trèo lên ngồi hẳn trên đi văng này”. Tôi bế em bé lên ghế ngồi ngay sau Bác. Bức ảnh Bác chụp chung với thiếu nhi có khuôn mặt tôi và em bé Liên Xô tròn xoe ngay bên vai Bác.

Năm 1958, tôi đang học lớp 8 ở trường Trưng Vương thì được Thành Đoàn Thanh niên Hà Nội lấy sang làm công tác Đoàn. Trước đây, khi còn nhỏ, tôi ao ước trở thành kỹ sư chế tạo máy móc. Nhưng rồi những hoạt động Đoàn sôi nổi, không khí cách mạng hào hứng lúc bấy giờ cùng với những kỷ niệm những lần gặp Bác đã giúp tôi xác định dứt khoát hướng đi của mình. Tôi bắt đầu làm công tác Đoàn, phụ trách khu Đồng Xuân (Hoàn Kiếm). Công việc của tôi rất chạy, phong trào Đoàn của khối khá hẳn lên. Đến năm 1961, một cuộc cắm trại thiếu nhi được tổ chức ngay trong vườn của Phủ Chủ tịch. Đó là trại hè của các cháu ngoan Bác Hồ. Các em đứng xếp thành hàng ngay trước thềm của nhà làm việc. Tôi đứng ở cạnh hàng, Bác đi xuống hỏi các cháu và bất ngờ quay sang tôi “Cô cho biết Hà Nội có bao nhiêu cháu thực hiện được 5 tốt?”. Tôi đang rất lúng túng, phần thì cũng không biết chính xác để trả lời Bác, phần vì tôi quan nghe Người gọi tôi là “cháu”. Như đoán được ý nghĩ của tôi Bác bảo: “Bây giờ là cán bộ phụ trách rồi nên Bác gọi là cô”. Câu nói của Bác làm tôi thấy đỡ bối rối và cũng thấy thêm trách nhiệm của người phụ trách là phải năm biết mọi vấn đề.

Tháng 7 năm đó tôi được cử đi học một khóa cán bộ Đoàn ở Liên Xô. Trong thời gian học ở nước bạn tôi lại may mắn được gặp Bác Hồ vào dịp Người đi dự Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 22. Bác căn dặn chúng tôi: “Cố gắng tranh thủ mọi điều kiện để học tập và phải đoàn kết quốc tế tốt”. Người còn đọc tặng chúng tôi mấy câu thơ làm chúng tôi vui thích và cười ồ lên. Rất tiếc là tôi không còn nhớ được rõ ràng nữa. Đại loại Bác nhắc nhở chúng tôi không được kiêu căng mà phải khiêm tốn học hỏi.

Khi về nước tôi lại tiếp tục công tác, suốt mấy năm bận rộn vì phong trào thanh niên Ba sẵn sàng đang thời kỳ sôi nổi, tôi không có dịp gặp Bác. Mãi cho đến cuối năm 1965, Bác đón khách nước ngoài, tôi đưa các cháu ở đội văn nghệ vào biểu diễn theo ý Bác, tôi mới được gặp Người. Khi đi ra trông thấy tôi, Bác hỏi: “Sao dạo này trông cô gầy thế?”. Câu hỏi của Người làm tôi rưng rưng cảm động, thì ra Bác vẫn nhớ tôi, mà lại nhớ rõ ràng tôi là cô bé có khuôn mặt tròn xoe nữa. Bác bận bao nhiêu việc lớn mà vẫn nhớ, vẫn dành tình cảm cho các cháu, cho một cán bộ bình thường như tôi.

Trong suy nghĩ của mình tôi luôn luôn cho rằng, nếu không có chế độ này, nếu không có Bác thì cuộc đời tôi không bao giờ được quan tâm, ưu đãi như thế. Mỗi bước đi trong cuộc đời tôi đều gắn liền với hình ảnh Bác. Tôi mãi mãi biết ơn và trân trọng những phút giây được gặp Bác Hồ, người Cha già vĩ đại của dân tộc Việt Nam ta.

Nguyễn Thị Thủy
(Theo: Bác Hồ trong trái tim phụ nữ Việt Nam)

Trích “Những chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trang 116 - 121. Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ bạn đọc tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp: Phòng đọc tại chỗ: KEVV16.1784; Phòng mượn: MEVV16. 4856-4857.

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.