Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Tin tứcNhìn ra thư viện bạnBách khoa thư bằng tranh - Một bộ sưu tập quý hiếm, độc đáo và có giá trị ở nước ta

Bách khoa thư bằng tranh - Một bộ sưu tập quý hiếm, độc đáo và có giá trị ở nước ta

Cập nhật ngày 05/12/2019
Nói đến Bách khoa thư, hẳn nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ ngay tới những bộ sách in dày, đẹp gồm ba bốn chục tập, trình bày tri thức về mọi ngành khoa học, kỹ thuật, kinh tế, văn hoá nghệ thuật… của các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc.v.v… Những bộ bách khoa thư cỡ lớn ngày nay đúng là như thế. Nhưng không phải chỉ có thế, xét về phương diện truyền thụ, lâu nay, còn có những bách khoa thư bằng tranh, bằng âm thanh, bằng phim chiếu và gần đây cả bằng màn hình do máy tính điều khiển. Ở Việt Nam, trong kho tàng sách báo vô giá của dân tộc ta cách đây tròn 100 năm, đã có một bộ Bách khoa thư bằng tranh đặc biệt quý giá do người Việt Nam vẽ và người Pháp xuất bản vào năm 1910.

Có thể coi đây là bộ Bách khoa thư bằng tranh duy nhất của Việt Nam và cũng là bộ Bách khoa thư cực kỳ hiếm hoi trên thế giới, truyền đạt tri thức bằng tranh khắc gỗ, in trên giấy đó vùng Bưởi, in và khắc tại đình Hàng Gai (số nhà 85 Hàng Gai), rồi chùa Vũ Thạch (nay là số 13 phố Bà Triệu – Hà Nội) những năm 1908 – 1909 và xuất bản vào năm 1910. Bộ sách này mang tên bằng tiếng pháp (có tựa đề): “Technique du peuple Annamite” (Kỹ thuật của nhân dân Việt Nam), với phụ đề (cũng bằng tiếng Pháp): Ency-clopedie de la civilisatien materialle du paysd Annamite – (Bách khoa thư về văn minh vật chất của người Việt Nam) hoặc “Encyclopedie de tous lé instruments, ustensiles, de tous les ghestes de la vie et metiers du peuple Annamite du Tonkin” (Bách khoa thư về các công cụ, đồ dùng, về các cử chỉ hàng ngày và các nghề của người Việt ở Bắc Kỳ). Bộ sách này do một người Pháp là Hăng – ri Ô - giê (Henri Oger) biên tập và quyên tiền để xuất bản. Henri Oger vốn là sinh viên khoa dân tộc học ở Trường đại học Xoóc-bon (Pa-ri), sang làm nghĩa vụ quân sự ở Hà Nội trong khoảng thời gian 1908 – 1909, sau đó học trường thuộc địa Anbe Xarô rồi làm việc tại toà Công sứ Nghệ An. Toàn bộ Bách khoa thư bằng tranh này bao gồm 6 tập, tất cả dày khoảng 700 trang, in đen trắng, khổ lớn ngoại cỡ (42cm x 65cm). Ngoài trang hai đầu bằng giấy báo, trên đó có in tên tác giả, tên sách và lời giới thiệu bằng tiếng Pháp, các trang còn lại đều được in trên giấy dó (một loại giấy thường được sử dụng để in tranh khắc gỗ và tranh dân gian thời đó). Mỗi trang có nhiều bức vẽ, tổng cộng có trên 4000 bức. Khoảng gần 1/3 bức vẽ được đánh số bằng chữ Hán hoặc chữ Ả-rập, còn lại một số bức vẽ được chú thích bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm.

Do quan niệm không đúng của người biên tập và xuất bản, nên tên người vẽ và người khắc không được nêu. Henri Ogiê chỉ nói rằng tham gia công trình này có một người thợ vẽ và khoảng 30 người thợ khắc (đều là người Việt Nam). Tuy nhiên ở bên lề một số hình vẽ, có đề tên ông Nguyễn Văn Đăng, Nguyễn Văn Giai, Phạm Văn Tiêu – người làng Thanh Liễu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương và ông Phạm Trọng Khải – người làng Nhân Dục, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Làng Thanh Liễu từ thế kỷ XV đến nay có nghề khắc gỗ lâu đời do Lương Như Hộc (người làng này đỗ Thám Hoa năm 1442, đã từng đi sứ sang Trung Quốc) truyền dạy. Tư liệu do một cán bộ Viện từ điển bách khoa thu thập được cho biết: tại làng này, dòng dõi của cụ Nguyễn Văn Đăng vẫn còn và các cụ già ở đây đều xác nhận rằng cụ Nguyễn Văn Đăng (1874 - 1956) là một nghệ nhân bậc thầy về khắc và in, đã từng làm việc nhiều năm ở Hà Nội. Còn về ông Phạm Trọng Hải, thì bà con ở Nhân Dục không còn ai nhớ nữa. Như vậy, có thể tin rằng ba người nói trên đã tham gia vào việc khắc và in bộ Bách khoa thư này. Còn người vẽ nói trên, thật khó có thể xác định được, nhưng theo truyền thống nghề nghiệp thì người thợ khắc cũng thường chính là người vẽ.

Bộ sách trình bày các hình vẽ không theo một trật tự nào về nội dung. Ngoài lời nói đầu, chỉ sau khi in khắc xong toàn bộ mới ra đời tập chú thích sơ sài bằng tiếng Pháp về các hình vẽ. Song điều vô cùng quý giá là bộ sách đã tập hợp được nhiều bức vẽ chất phác nhất trong lịch sử nước nhà, phản ánh được khá toàn diện các công cụ sản xuất, các đồ dùng hàng ngày, tình hình sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, nhà ở, trang phục, giáo dục, thi cử, quan trường, giải trí, phong tục, tập quán, nghệ thuật tạo hình, âm nhạc, nhảy múa, y học dân gian… của nhân dân ta, nhất là ở miền Bắc, cuối thể kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Nhờ đó mà nhiều sự vật cũng như những hoạt động đến nay không còn nữa, phần đông trong thế hệ chúng ta không còn nhớ nữa, đã thể hiện ra trước mắt chúng ta trung thành và chân chất, dân dã Việt Nam. Tóm lại nó không chỉ phản ánh văn hoá vật chất mà còn phản ánh cả phần văn hoá tinh thần của nhân dân ta, minh hoạ một số thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt, một số sự việc, nhân vật trong văn học cổ nước ta, hoặc ghi phỏng một số tranh dân gian đã có… Gần một nửa số hình vẽ là những bức ký hoạ về các đồ vật, hoạ tiết, số còn lại phần lớn là những bức tranh sống động, trong sáng, nhiều vẻ, nhưng rất đậm đà phong cách dân gian Việt Nam, phản ánh cuộc sống thanh bình, giản dị của những con người lao động bình thường, hoặc phê phán thói hư, tật xấu, nói lên sự thông cảm sâu sắc với những đau khổ của đồng bào và vẫn toát lên ý tưởng hài hước, hóm hỉnh.

Bộ Bách khoa toàn thư bằng tranh quí báu này ra đời cách đây đã lâu, tròn một thế kỷ, nó đã được lưu trữ ở một số thư viện lớn ở Việt Nam (như: thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Viện thông tin KHXH, thư viện KHTH Tp. Hồ Chí Minh v. v….) và ở Pháp, cũng như một số tủ sách gia đình. Năm  1978, hoạ sĩ Phạm Ngọc Tuấn là Việt kiều ở Pa-ri đã cùng với Bảo tàng nhân học Pháp tổ chức một cuộc triển lãm một số bức tanh chọn lọc (in ảnh, phóng đại) từ bộ sưu tập nói trên tại thành phố Buốc – giơ (Pháp), nhằm giới thiệu một phần di sản văn hoá tinh thần và những phong tục, tập quán của người Việt Nam thế kỷ trước. Ngoài ra, một tổ chức khác của bà con Việt kiều ở Pháp cũng đã lựa chọn một số bức tranh đặc sắc để in trên tạp chí hoặc in trên bưu thiếp. Những hoạt động nghệ thuật nói trên đã từng bước thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận trong và ngoài nước.

Ở Việt Nam, nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (năm 1985), Viện Từ điển Bách khoa trực thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã lựa chọn hơn 500 bức ảnh tiêu biểu trong tổng số 4.000 bức và giới thiệu với công chúng rộng rãi cả nước về bộ sưu tập độc đáo nói trên.

Theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) của Đảng về: “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, với phương châm nhân dân phải làm chủ với những giá trị văn hoá của mình, rất mừng vào tháng 4/2009, nhân dịp 34 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất tổ quốc, được sự tài trợ của Tổng Lãnh sự quán Hà Lan và Tổng Lãnh sự quán Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện KHTH TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Viện Viễn đông Bác cổ và Công ty truyền thông Nhã Nam tổ chức tái bản, in ấn toàn bộ di sản Bách khoa thư bằng tranh nói trên gồm trên 4.000 bức tranh (có phụ đề bằng 3 thứ tiếng Anh – Việt – Pháp) ở hai dạng: Dạng giấy khổ A4 gồm 3 tập và dạng CD-ROM, nhằm cung cấp cho độc giả cả nước những bức tranh, hình ảnh quý giá, độc đáo trước đây hơn một thế kỷ. Công việc này nhằm góp phần tôn vinh và giới thiệu một trong những di sản văn hoá của dân tộc như những hạt ngọc đã bị lớp bụi thời gian gần 100 năm phủ lấp; đồng thời cũng góp phần tôn vinh tác giả - học giả, nhà nghiên cứu dân tộc học nổi tiếng người Pháp:  Henri – Oger ./.

* Hình ảnh trong bộ Bách khoa thư bằng tranh duy nhất của Việt Nam

Tin: Ths. Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội thư viện Việt Nam
Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.