Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Giới thiệu sáchKhoa học tự nhiên - Kiến thức đời sốngVẻ đẹp của những vật dụng hàng ngày

Vẻ đẹp của những vật dụng hàng ngày

Vẻ đẹp của những vật dụng hàng ngày

Thông tin tài liệu

Tác giả: Soetsu Yanagi
Nhà xuất bản: Nxb. Lao Động
Năm xuất bản: 2024
Môn loại: Khoa học tự nhiên - Kiến thức đời sống
Format: 288tr:11x18cm
Xem trực tuyến: Click vào đây

Nội dung

Soetsu Yanagi là một triết gia, nhà phê bình nghệ thuật nổi bật ở Nhật Bản trong nửa đầu của thế kỷ 20. Là người khai sáng và thiết lập một phương pháp nghiên cứu để có thể phân tích ngọn ngành về vẻ đẹp của những vật dụng hằng ngày, đồng thời sáng lập Bảo tàng Thủ công Mỹ nghệ của Nhật Bản. Ông đã đặt ra khái niệm Mingei (tạm dịch là Mỹ nghệ) không chỉ được dùng rộng rãi ở Nhật Bản mà nó còn được sử dụng trong cả ngành Nghệ thuật Chính thống trên thế giới. Yanagi đã đưa ra 12 định nghĩa về cái đẹp có tính phổ quát như: đẹp vì được làm bằng tay, đẹp vì được làm bằng vật liệu tự nhiên, đẹp vì tính truyền thống, đẹp vì đơn giản, đẹp vì hữu dụng hay đẹp vì sự đa dạng và đẹp vì không mắc tiền ...
“Vẻ đẹp của những Vật dụng Hàng ngày” của tác giả Soetsu Yanagi, được dịch từ phiên bản tiếng Anh The Beauty of Everyday Things, bởi nhóm dịch giả thuộc LAITA Design, nhà xuất bản Lao Động phát hành năm 2024. Với 288 trang, là tuyển tập các bài tiểu luận của Yanagi Soetsu qua nhiều thời kỳ về nghệ thuật thủ công dân gian. Lấy cảm hứng từ tác phẩm của những nghệ nhân giản dị mà Yanagi gặp trong chuyến hành trình cả đời của ông qua Nhật Bản và khắp bán đảo Triều Tiên, cuốn sách là lời biện hộ chân thành cho những đồ vật thủ công chân chất và khiêm tốn, những đồ vật thể hiện vẻ đẹp “vị tha” của những điều hàng ngày, từ những tách trà thuyền thống, hình hoa đến giấy viết. Cốc bia ở bìa cuốn sách là một ví dụ điển hình cho một sản phẩm mang những vẻ đẹp thường ngày, một đồ vật thân thuộc, mộc mạc, nhưng cũng có sức sống mãnh liệt và bền vững.
Bên cạnh việc cung cấp thông tin về đồ thủ công dân gian, vè đẹp của những vật dụng, hoa văn là gì, bí ẩn về vẻ đẹp của giấy washi hay vẻ đẹp vô tiền khoáng hậu của vải kasuri Nhật Bản… cuốn sách còn có bài viết “Thấy và hiểu” đưa ra quan điểm về cách nhìn nhận, đánh giá về vẻ đẹp của một “sự vật” và hoàn cảnh của sự vật. Phần cuối của quyển sách là khởi điểm và thành quả của “Bảo tàng nghệ thuật dân gian Nhật Bản” với việc trưng bày các sản phẩm thủ công dân gian với vẻ đẹp lành mạnh, bình thường kết hợp với nghệ thuật sắp xếp nhằm tôn vinh vẻ đẹp vốn có của các đồ vật.
Cuốn sách Vẻ đẹp của những Vật dụng Hàng ngày không những giúp ta tìm hiểu về văn hóa, nghệ thuật Nhật Bản và nhìn nhận sâu hơn về nét đẹp của các ngành nghề truyền thống không chỉ có ở Nhật Bản mà còn có ở những nước khác như Việt Nam với nhiều làng nghề truyền thống lâu đời. Với suy ngẫm những vật dụng trong cuộc sống hằng ngày là những người bạn đồng hành của chúng ta, tác giả mong muốn kêu gọi chúng ta đào sâu và biến đổi mối quan hệ của mình với những đồ vật xung quanh. Cái đẹp, cái hay không chỉ là điều gì đó cao siêu mà chỉ đơn giản là những điều nhỏ nhoi luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày. Đó cũng là một thông điệp triết lý cuộc sống giúp ta nhận thức rõ về giá trị của sự vật. Từ những thứ bình thường, giản đơn trong cuộc sống hàng ngày cho đến một tác phẩm nghệ thuật, từ nhận thức đúng đắn sẽ đưa đến những suy tư, những con đường và những việc làm đúng với bản chất vốn có của sự vật.
Sách hiện đang phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp, trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc.
Hồng Nga
 
Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.