Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Kho tài liệu sốĐọc sách viết cảm nhậnCảm nhận về tác phẩm "Những người giữ lửa tình yêu với sách" (2)

Cảm nhận về tác phẩm "Những người giữ lửa tình yêu với sách"

BÀI ĐẠT GIẢI III CUỘC THI "ĐỌC SÁCH VIẾT CẢM NHẬN"
CHỦ ĐỀ: "HỌC TẬP THƯỜNG XUYÊN, HỌC TẬP SUỐT ĐỜI"

Cảm nhận về tác phẩm “Những người giữ lửa tình yêu với sách
(Họ tên: 
Huỳnh Ngọc Phượng – Lớp 12AV, Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu)

          Có lẽ, để chạy theo nhịp sống của thời đại, con người đã phần nào quên đi sự có mặt của sách. Mấy ai hiểu được, trước trang sách là những dòng chữ ngay thẳng, nét chữ đều đặn, nhưng sau những tờ giấy vô hồn ấy là cả một mảng đời của một ai đó, nơi mà ta đôi khi có thể bắt gặp bản thân và giá trị của mình. Mỗi một con người luôn có những sở thích khác nhau. Người ta đến với sách là vì cái tên, còn tôi đến với sách là vì cả một câu chuyện sau nó.

          “Ở một thư viện vùng sâu Đồng Tháp Mười”- một cái tên quá dài để thu hút ánh mắt tôi khi đọc quyển “Những người giữ lửa tình yêu với sách” của tác giả Nguyễn Hữu Giới. Tôi gấp lại các trang giấy ấy và đặt chúng vào một nơi không đèn rọi. Nhưng, chỉ một chuyến ghé thăm ngôi trường tiểu học huyện Cao Lãnh mà ba tôi đang làm việc, chỉ một cái vòng quanh cái thư viện nhỏ mộc mạc đơn sơ, suy nghĩ tôi đã hoàn toàn thay đổi.

          Tìm đến các trang giấy còn vẹn nguyên mùi sách mới, tôi lật từng trang và như bị vùi lấp trong sự ngột ngạt của lòng ngưỡng mộ về sự kiên cường, sự yêu nghề và bao cống hiến của những con người tại thư viện vùng sâu ấy - Mộc Hóa. Thư viện - từ ngữ mở ra mở ra một không gian thoáng đãng, mát mẽ vởi vô vàn cuốn sách khác nhau; vốn chỉ đơn giản là “một căn phòng chật hẹp chừng như không đủ khoảng trống để đi lại” đối với mảnh đất đầy sen này. Nhưng sáng lên trong căn phòng đó lại là những gương mặt ngời ngời “say mê lật từng trang sách” và “những điều mà sách mang lại vẫn luôn sáng lấp lánh giữa đời”.

          Cứ ngỡ, chỉ không gian nhỏ đã là một thử thách lớn cho các con người gắn chặt tại chốn này, nhưng ai ngờ vẫn còn rất nhiều những vết gai hằn lên trên xương máu người tận hiến. Chấp nhận ở vùng sâu là chấp nhận đối mặt với mùa lũ lụt, ấy vậy mà các công tác viên luôn giữ vững cái nhiệt huyết ngày nào để bảo vệ nơi yên bình này. Đôi lúc, tôi ngậm ngùi trước cảnh gắn bó keo sơn với nghề của các cô chú, trong đó có cô Nguyễn Thị Cẩm Hằng và Hồ Thị Kim Loan với mười lăm năm lưu dấu chân tại thư viện. Ngay cả hai cô “cũng không biết có phải yêu nghề hay không mà gắn bó với thư viện, với mảnh dất này lâu đến như vậy?”

          Chuyện ở Mộc Hóa không chỉ đơn thuần là câu chuyện gắn liền với những trang giấy, mà nó còn là câu chuyện của sự thân quen và gần gũi giữa người và người. “Trên 700 thẻ độc giả hiện có của Thư viện Mộc Hóa là trên 700 “người quen” của chúng tôi”. Hình như, rất khó bắt gặp được cái tình nghĩa keo sơn, sự tương tác giữa công tác viên và người đọc như thế này ở bất cứ một thư viện nào khác. Thật đáng kính biết bao trước cảnh thân thiết ấy! “Có người đọc sách của thư viện từ lúc là học sinh tiểu học cho đến lúc đậu đại học, là sinh viên nghỉ hè hoặc tốt nghiệp ra trường rồi lại về làm thẻ thư viện đọc sách”.  Có lẽ, những nét đó chính là điểm rất “Mộc Hóa”, một điểm đắt biến một thư viện không tên tuổi ở vùng xa thành một nơi đầy ngưỡng mộ trong mắt mọi người.

          Câu chuyện tại vùng sâu này còn khiến tôi hứng thú hơn với sự đa dạng và thời gian sự tận tình, linh hoạt. Các công tác viên làm việc không ngừng nghỉ kể cả ngày lễ. Hơn nữa, dẫu được cấp một số tiền không tương xứng với những điều kiện cần và đù ở thư viện nhưng con người ở đây vẫn luôn nuôi khát vọng nâng cao, đổi mới thư viện vì lợi ích cộng đồng. Đây là sự tận hiến của các công tác viên ở Mộc Hóa và nó đã gợi lên cho tôi một cảm giác bồn chồn, nhắc nhở bản thân tôi phải sống chết với con đường mình đã chọn. Thảo nào tôi không thể không ấn tượng với Mộc Hóa như vậy!

          Ấn tượng là thế, vui thú là thế, tuy nhiên, tôi không khỏi xót xa khi hiểu rõ hơn về những gian nan và các công tác viên phải trải qua. Nào là “mỗi lần nước ngập muốn về thăm nhà hay bổ sung sách phải ngồi tàu đò suốt một 100 cây số đường sông, từ sáng sớm đến chiều tối mới về tới nơi” rồi còn những mùa nước lũ “ vừa lo bảo quản sao cho sách khỏi ướt, lại lo làm tròn công tác phục vụ cho người dân”,... Điều kiện không đủ, mọi thứ phải chắt chiu từng đồng từng cắt, đến nỗi mặt trong của bục nói chuyện đã cũ lại chính vật liệu để làm ngăn sách phục vụ mọi người. Ôi, thật trân quý biết bao những tấm lòng làm việc không công của những người luôn ngày đêm kiệm tiền nhưng không kiệm sức mà làm nên những vật dụng trong thư viện. Tuy không một khoảng thù lao, nhưng cái họ nhận được còn quý hơn cả - đó là sự kính trọng, yêu quý của người dân dành cho họ, dành cho sách, trong đó có tôi.

          Tôi càng phục các con người đất sen ấy khi luôn hướng tới những lý sống tưởng cao đẹp. Sách trong tư viện được chọn lọc rất kĩ càng, với nhiệm vụ trọng tâm là chú trọng về các lý tưởng Đảng và Chủ nghĩa Mác Lê nin - những lời dạy bất hủ cho đời sau. Không quên đổi mới và truyền cảm hứng với các hoạt động vui thi, Hội thi đọc sách, Thi báo cáo viên giỏi, Hái hoa dân chủ... diễn ra hằng năm. Thế là một chuỗi sắp xếp, chuẩn bị cho các hoạt động ấy diễn ra, nhưng các cô chú không hề than vãn, chỉ thấy được niềm phấn khởi qua từng câu chữ. Ai mà không cảm động trước tấm lòng bao la vô bờ như thế chứ!

          Đọc mẩu chuyện này, tôi mới hiểu được ẩn sau một quyển sách là công sức và niềm tin yêu của bao người như vậy. Bao cảm xúc dồn nén trong tôi. Tôi cảm thấy sách đẹp hơn, đáng quý hơn. Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi có một thư viện đầy đủ tiện nghi ở nơi sinh sống. Nhưng, ở một khía cạnh nào đó, tâm trí tôi lại dấy lên cảm giác muốn trải nghiệm một ngày đọc sách ở huyện thị để cảm nhận cái Mộc Hóa trong từng trang sách.

          Giờ đây, hầu hết các thư viện đều khang trang và rộng rãi hơn nhiều, như tôi, mấy ai biết cảnh khó khăn nhưng tràn ngập tình gắn bó của một “phòng đọc sách” nhỏ các nơi huyện thị. Vì thế, hãy một lần đọc câu chuyện này- “ Ở một thư viện vùng sâu Đồng Tháp Mười”, để như tôi - người được khai phá về một thế giới với cái tinh tế của cả sách lẫn con người./.

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.